DỰ ÁN CAO TỐC PHAN THIẾT - DẦU GIÂY KHÔNG BỊ GIÁN ĐOẠN DO DỊCH


Dù gặp nhiều khó khăn, song với nỗ lực từ nhiều phía, quá trình thi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn không bị gián đoạn. Điều này giúp tuyến cao tốc sớm thành hình, đảm bảo tiến độ đề ra.

 

Hơn 10 tháng kể từ khi khởi công, các đơn vị được giao thực hiện dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây luôn phải đối diện với tình trạng thiếu vật liệu san lấp, thời tiết mưa nhiều và đặc biệt trong những tháng gần đây dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Dù gặp khó khăn, song với nỗ lực từ nhiều phía, quá trình thi công dự án vẫn không bị gián đoạn, điều này giúp tuyến cao tốc sớm thành hình, đảm bảo tiến độ đề ra.

Gói thầu số 3, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây có chiều dài 35km là gói thầu có khối lượng công việc lớn nhất trên tuyến cao tốc.

Những tháng trước đây, liên danh nhà thầu huy động gần 600 kỹ sư, công nhân và hơn 300 máy móc, thiết bị thi công cả ngày lẫn đêm.



Nhiều phương tiện, máy móc tham gia lu nền đường tại gói thầu số 2, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, đoạn qua tỉnh Bình Thuận


Cấp phối đá dăm, lu đường trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.


Máy móc thực hiện lu nền sau khi cấp phối đá dăm cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây.


Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc liên danh gói thầu số 3, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, cho biết vừa qua, một số lao động làm việc tại gói thầu số 3 mắc COVID-9 phải đi điều trị. Nhiều người tiếp xúc gần phải đi cách ly, nguồn nhân lực tại gói thầu số 3 bị thiếu hụt so với trước.

Việc mua vật liệu xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn; nhà thầu phải làm giấy đi đường, xét nghiệm COVID-19 theo lịch 3 ngày xét nghiệm một lần cho đội ngũ lái xe chở vật liệu. Đồng thời, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trên công trường, tổ chức cho người lao động ăn, ở, làm việc tại chỗ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ để mọi người yên tâm làm việc, nhà thầu đã xét nghiệm COVID-19 cho tất cả người lao động. Do những tháng trước, nhà thầu tập kết được khối lượng vật liệu rất lớn, đồng thời lắp đặt được 1 trạm trộn bê tông và 1 trạm bê tông đúc sẵn ống cống trên công trường nên quá trình thi công cao tốc vẫn không bị gián đoạn.

Đến nay, gói thầu số 3 đã cơ bản hoàn thành đào hữu cơ, lu nền đường, các mũi thi công đang đẩy nhanh cấp phối đá dăm và đã hoàn thành được gần 5km. Còn phần cầu đã có 21/24 cầu đã xong mố trụ.

“Để đảm bảo tiến độ công trình, liên danh nhà thầu gói thầu số 3 đang nỗ lực khắc phục khó khăn, liên hệ với ngành chức năng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động. Ngoài ra, nhà thầu cũng đã đưa đến công trường nhiều máy móc, trang thiết bị, dự trù nguồn nhân lực để sẵn sàng thi công khi dịch COVID-19 được kiểm soát,” ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định.

Theo ghi nhận của phóng viên, dù dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, nhưng trên toàn tuyến, các phương tiện, máy móc cùng nhân lực vẫn miệt mài đào hữu cơ, đắp đất, lu nền đường, cấp phối đá dăm.


Các nhà thầu huy động nhiều nhân lực, phương tiện thi công trên công trường


Ông Hoàng Nghĩa Việt, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long tại gói thầu số 4, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây cho biết, gói thầu số 4 trước đây có 200 kỹ sư, công nhân và 150 máy móc, thiết bị. Mới đây, một lao động làm việc tại gói thầu nhiễm COVID-19; một số lao động tiếp xúc gần phải đi cách ly nên nguồn nhân lực giảm sút.

Do đó, các đơn vị phụ trách gói thầu đã làm giấy đi đường và 3 ngày 1 lần xét nghiệm COVID-19 cho tài xế chở vật liệu xây dựng. Nhờ đó, nguồn vật liệu phục vụ thi công luôn được cung ứng đủ.

Theo ông Hoàng Nghĩa Việt, gói thầu số 4 dài 16km, khởi công từ tháng 1/2021 và sẽ hoàn thành vào tháng 1/2023. Đến nay, với phần đường, gói thầu đã hoàn thành nhiều phần việc cơ bản và đang cấp phối các lớp đá dăm; toàn bộ cống ngang đã làm xong. Cả 10/10 cầu trên tuyến đã xây xong phần dưới thân, mố trụ, móng.



Sau nhiều tháng thi công, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đã thành hình.


Ban Quản lý dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây cho hay, dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây có 4 gói thầu với chiều dài gần 100km, đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

Tại 4 gói thầu, các đơn vị đã huy động khoảng 1.500 kỹ sư, công nhân và gần 1.000 máy móc, phương tiện, tổ chức 70 mũi thi công. Đến nay, cả bốn gói thầu đã hoàn thành gần 15% khối lượng công việc, đảm bảo tiến độ đề ra.

Cũng theo Ban quản lý dự án Thăng Long, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây là 1 trong 11 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Điểm cuối của cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây nối trực tiếp với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, không chỉ kết nối Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai với Bình Thuận mà còn kết nối cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cả nước.

Vì thế, việc gấp rút thi công, không để cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây chậm tiến độ là rất cần thiết. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án Thăng Long yêu cầu các đơn vị ngoài nỗ lực thi công còn phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, chất lượng công trình; thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe người lao động./.

Nguồn Công Phong (TTXVN/Vietnam+)

Bài viết khác

Hướng Dẫn Chi Tiết Các Bước Vận Hành Máy Rải Nhựa Voegele: Đơn Giản và An Toàn

Cào bóc và Tái chế nguội mặt đường: Quy trình và cách thực hiện

Những Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Độ Chặt Của Vật Liệu Đất Và Nhựa Đường Khi Đầm Nén

Tổng Quan Về Các Thiết Bị Cần Thiết Trong Dây Chuyền Thảm Nhựa Tiêu Chuẩn

Giới Thiệu Tổng Quan Về Thiết Bị Bơm Bê Tông Của Hyundai Everdigm